Một số lưu ý đối với các giao dịch có yếu tố nước ngoài

Một số lưu ý đối với các giao dịch có yếu tố nước ngoài

Trong quá trình thực hiện công việc của mình, chúng tôi đã tư vấn, đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong các giao dịch liên quốc gia như:

  • Hợp đồng mua bán hàng hoá;
  • Hợp đồng liên doanh thực hiện dự án đầu tư;
  • Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài;
  • Hợp đồng thực hiện dịch vụ;

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi xin xung cấp một số lưu ý để doanh nghiệp, nhà đầu tư có thêm thông tin khi thực hiện các giao dịch với đối tác nước ngoài.

1, Hợp đồng mua bán hàng hoá:

Xu thế toàn cầu hoá, sự kết nối đa dạng là tiền đề thúc đẩy giao dịch giữa các doanh nghiệp trên thế giới.

Đối với hình thức giao dịch này, chúng tôi đặc biệt lưu ý với các doanh nghiệp những nội dung sau tại hợp đồng: Thông tin hàng hoá, chất lượng hàng hoá; thời gian giao hàng; phương thức thanh toán; hình thức vận chuyển,..Đây là những nội dung thường gây nhiều tranh chấp, tổn chất cho các bên tham gia giao dịch.

Một lưu ý liên quan đến phương thức thanh toán: Các bên thường lựa chọn hình thức thanh toán L/C (Letter of Credit) và đặt toàn bộ sự tin tưởng vào hình thức thay toán này, nhìn chung phương thức thanh toán này an toàn cho các bên tham gia do có thêm ngân hàng mở thư tín dụng (applicant) và ngân hàng báo thư tín dụng (Advising or Notifying Bank). Tuy nhiên, không phải lúc nào L/C cũng an toàn cho các bên, đã có những trường hợp phát sinh tranh chấp L/C khi cung cấp không đầy đủ, sai, giả mạo, không hợp lệ các chứng từ xuất trình; không thể mở L/C do bên mua không hợp tác, không nhận hàng,…Thông thường có 03 bộ chứng từ rất quan trọng trong thanh toán L/C là vận đơn đường biển (Ocean Bill Of Lading), hoá đơn thương mại (Comercial Invoice)  và bảo hiểm đơn (Insurance Policy), các bên tham gia giao dịch cần lưu ý về nội dung, hình thức của các chứng từ này trong quá trình thực hiện thanh toán L/C.

2, Hợp đồng liên doanh thực hiện dự án đầu tư:

Hình thức hợp đồng này thường xuất hiện khi các bên có nhu cầu cùng liên doanh thực hiện dự án đầu tư, thực hiện chung các hoạt động sản xuất kinh doanh. Thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ góp vào liên doanh bằng quyền sử dụng đất, tài sản khác,  đối tác nước ngoài góp bằng tài chính để cùng thực hiện dự án.

Để thực hiện việc liên doanh, các bên tham gia  sẽ phải soạn thảo ký kết hợp đồng liên doanh; thành lập doanh nghiệp liên doanh; hoàn thiện các thủ tục pháp lý để xác định tư cách của doanh nghiệp liên doanh; và thực hiện quyền quản lý, kiểm soát tại doanh nghiệp liên doanh và tại dự án được liên doanh.

Để đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia liên doanh trong một quá trình dài (thường theo thời gian dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền cấp phép), ngoài hợp đồng liên doanh, điều lệ, văn bản nội bộ của doanh nghiệp liên doanh cần được các bên quy định chặt chẽ, chi tiết, thống nhất với các văn bản đã ký kết trước đó.

3,  Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp:

Giao dịch này gắn  với khái niệm M&A (Merger & Acquisition). Theo đó, cổ đông, thành viên trong công ty tại Việt Nam sẽ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài những quy định tại luật đầu tư, luật doanh nghiệp các bên còn phải xem xét, tuân thủ quy định tại luật cạnh tranh, luật chứng khoán và các quy định pháp luật chuyên ngành khác.

Quy trình đối với giao dịch này sẽ bắt đầu từ quá trình xác lập, ký kết hơp đồng chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp – điều chỉnh tư cách cổ đông/thành viên công ty – cơ cấu, tổ chức, quản lý vận hành doanh nghiệp sau khi thực hiện hoạt động chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp.

Theo quan điểm của nhiều người, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp chỉ có giá trị trước khi các bên hoàn thành điều chỉnh tư cách cổ đông/thành viên công ty do vậy không cần quá chú trọng vào soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng mà chỉ cần làm theo mẫu. Theo góc nhìn của chúng tôi, tư duy này không phù hợp và có nguy cơ đem lại rủi ro cho các bên tham gia giao dịch, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp được tiến hành hoạt động M&A.

4, Hợp đồng dịch vụ:

Hợp đồng này thường được phát sinh khi các bên có nhu cầu sử dụng một dịch vụ như: thiết kế thi công; dịch vụ thông tin, truyền thông,..

Do khoảng cách về địa lý, thời gian, khác biệt về văn hoá, vấn đề mà các bên thường  gặp phải liên quan đến các hợp đồng này là: triển khai công việc, nghiệm thu, bàn giao, kiểm tra chất lượng công việc; thanh toán; bảo mật thông tin, tài liệu trong quá trình thực hiện dịch vụ.

Những nội dung chúng tôi nêu ra tại bài viết này không được hiểu là toàn bộ những lưu ý khi các bên tham gia giao dịch có yếu tố nước ngoài. Ngoài những nội dung được giới thiệu ở trên các quy định về: luật áp dụng, cơ quan giải quyết tranh chấp, ngôn ngữ, bất khả kháng, khiếu nại cũng là một trong những vấn đề thường gây ra tranh cãi của các bên.