Quyền lợi của hành khách mua vé trong vụ án “chuyến bay giải cứu” được giải quyết như thế nào?

Quyền lợi của hành khách mua vé trong vụ án “chuyến bay giải cứu” được giải quyết như thế nào?

 Vụ án “chuyến bay giải cứu” là vụ án thu hút được sự chú ý lớn của dư luận, có lẽ đây là vụ án đầu tiên phơi bày nhiều chi tiết, nhiều góc khuất trong một số mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước.

Ở góc độ pháp lý, vụ án này có nhiều vấn đề được giới chuyên môn đưa ra bàn luận, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm lớn đó là: Quyền lợi của hành khách mua vé máy bay.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi xin được chia sẻ ý kiến xoay quanh quyền lợi của những hành khách mua vé máy bay trong vụ án chuyến bay giải cứu để những người liên quan, người theo dõi vụ án có cách hiểu tường minh về nội dung này.

1, Quan hệ giữa hành khách và doanh nghiệp thực hiện “chuyến bay giải cứu”:

Theo quy định tại Bộ Luật dân sự 2015 và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam sửa đổi 2014 (“Luật Hàng không dân dụng”), “tổ chức chuyến bay” được xem là loại hình cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không. Theo quy định tại Điều 143 Luật Hàng không dân dụng:

“Điều 143. Hợp đồng vận chuyển hành khách, hành lý

1. Hợp đồng vận chuyển hàng khách, hành lý đường hàng không là sự thoả thuận giữa người vận chuyển và hành khách, theo đó người vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đến và hành khác phải thanh toán cước phí vận chuyển.

2.Vé hành khách, Điều lệ vận chuyển, bảng giá cước vận chuyển và các thoả thuận khác bằng văn bản giữa hai bên là tài liệu của hợp đồng vận chuyển hành khách, hành lý”.

Như vậy, cần xác định mối quan hệ giữa doanh nghiệp tổ chức chuyến bay và hành khách mua vé là quan hệ dân sự, phát sinh trên cơ sở hợp đồng vận chuyển hành khách, được hiểu là một bên thực hiện vận chuyển, một bên có nhu cầu được vận chuyển, việc giao kết hợp đồng phụ thuộc vào ý chí, nguyện vọng của hai bên.

2, Quyền lợi của hành khách đã mua vé máy bay:

Như đã phân tích ở trên, việc mua vé máy bay phát sinh trên cơ sở giao dịch dân sự giữa doanh nghiệp thực hiện việc vận chuyển và hành khách. Trên thực tế giao dịch này đã hoàn tất, hành khách đã mua vé, đã trả tiền; doanh nghiệp đã thực hiện xong việc vận chuyển.

Trong trường hợp, hành khách mua vé nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm từ hợp đồng vận chuyển hành khách, hành khách có quyền khởi kiện doanh nghiệp để yêu cầu toà án bảo vệ quyền lợi. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đương vụ trong vụ án dân sự có trách nhiệm đưa ra các tài liệu chứng cứ chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (ngoài ra, đương sự có thể đề nghị toà án thu thập tài liệu chứng cứ). Như vậy, trong trường hợp hành khách muốn khởi kiện doanh nghiệp tổ chức chuyến bay bằng một vụ án dân sự, hành khách có trách nhiệm cung cấp cho toà án giải quyết vụ án chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình, ví dụ: hành khách cho rằng “giá vé bình thường” là 2000 USD, nhưng doanh nghiệp lợi dụng tình trạng khan hiếm, lợi dụng dịch bệnh hoặc phải đưa hối lộ để được cấp phép bay dẫn đến doanh nghiệp nâng giá lên 4000 USD, và quyền lợi của hành khách bị xâm phạm, trên thực tế cơ sở để chứng minh giá vé hành khách phải trả cao hơn “giá vé bình thường” không hề đơn giản.

Trong trường hợp, hành khách mua vé nhận thấy có dấu hiệu hình sự từ các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay thì có thể làm đơn tố giác tội phạm ra cơ quan có thẩm quyền.

3, Hành khách mua vé có được tham gia vụ án “chuyến bay giải cứu”?

Vụ án “chuyến bay giải cứu” đang được toà án tổ chức xét xử là để xem xét hành vi của các bị cáo có dấu hiệu tội phạm các tội: “Đưa hối lộ” (Điều 364 Bộ  luật hình sự năm 2015);  “Nhận hối lộ” (Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015), “Môi giới hối lộ” (Điều 365 Bộ luật hình sự năm 2015); “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” – (Điều 356 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi tại Luật sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự 2017); và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015)  .

Đối với các tội “Môi giới hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Đưa hối lộ” khách thể của nhóm tội này là hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước,  hành vi của các bị cáo thường sẽ được nhận định như sau:  xâm phạm trực tiếp đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, gây dư luận xấu cho hoạt động của cơ quan có thẩm quyền, làm giảm lòng tin của nhân dân…

Như vậy, hành khách mua vé máy bay không được các cơ quan tiến hành tố tụng xác định là bị hại trong vụ án đang được xét xử. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu xét thấy cần thiết phải có sự tham gia của hành khách mua vé để làm rõ tình tiết vụ án thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét đưa hành khách tham gia vụ án.

(Nội dung bài viết này chỉ đưa ra ý kiến về quyền lợi của hành khách đã mua vé máy bay, đã được doanh nghiệp tổ chức bay đưa về nước, bài viết này không chứa đựng ý kiến về quyền lợi của khách hàng đã mua vé máy bay nhưng huỷ vé hoặc vì bất kỳ lý do nào khác không trở về nước thông qua “chuyến  bay giải cứu”

Tên vụ án được  gọi theo cách gọi của cơ quan truyền thông; thông tin về vụ án được chúng tôi cập nhật từ Báo Điện tử Chính phủ; Trang công an nhân dân online).

TIN TỨC LIÊN QUAN