Từ vụ ‘Mái ấm hoa hồng’ – Quy định xử lý, mức phạt hành vi bạo hành trẻ em trong mái ấm tình thương thế nào?
Từ vụ ‘Mái ấm hoa hồng’ – Quy định xử lý, mức phạt hành vi bạo hành trẻ em trong mái ấm tình thương thế nào?
Nội dung bài được trích từ phần trả lời của luật sư Lê Thuỳ trên trang Báo Pháp luật Việt Nam. Bạn đọc theo dõi bài viết tại link https://baophapluat.vn/tu-vu-mai-am-hoa-hong-quy-dinh-xu-ly-muc-phat-hanh-vi-bao-hanh-tre-em-trong-mai-am-tinh-thuong-the-nao-post524305.html
(PLVN) – Bạn đọc Ngọc Hiếu (Thanh Hóa) hỏi: Gần đây sự việc bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng (TP HCM) gây bức xúc trong dư luận. Xin hỏi, bạo hành trẻ em trong mái ấm tình thương xử phạt bao nhiêu tiền? Bạo hành trẻ em trong mái ấm tình thương đi tù mấy năm?
Luật sư Lê Thị Thùy – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội tư vấn: Gần đây sự việc bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng (TP HCM) gây bức xúc trong dư luận. Hành vi có dấu hiệu ngược đãi, bạo hành trẻ em xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng đang được các cơ quan có thẩm quyền quyết liệt xác minh, xử lý. Pháp luật có quy định rất chi tiết về các chế tài xử phạt đối với hành vi này, cụ thể như sau: Theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016 thì “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em”.
Cụ thể, xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt đối với hành vi bạo hành trẻ em, theo đó các hành vi bắt trẻ em nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em; Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
Những hành vi này sẽ phải chịu mức xử phạt từ 10 – 20 triệu đồng và phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này; Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi vi phạm tại điểm d khoản 1 Điều này.
Do vậy, mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp hai lần đối với cá nhân vi phạm.
Đối với hành vi vi phạm hình sự cụ thể như sau: Tuỳ theo tính chất, mức độ và hành vi vi phạm, người thực hiện hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Hành hạ người khác quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 mức xử phạt đối với tội phạm này lên đến 1 – 3 năm tù.
Hành vi ngược đãi gây thương tổn cho trẻ em có thể chịu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, người vi phạm tội này có thể đối mặt với mức phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đến mức phạt cao nhất là 12 – 20 năm hoặc tù chung thân. Nghiêm trọng hơn, các hành vi ngược đãi, bạo gây gây chết người còn có thể bị xử lý về tội Giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, mức phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình.
Như vậy, người có hành vi bạo hành trẻ em trong mái ấm tình thương là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào mức độ và tính chất của hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra.
Trên đây là nội dung tư vấn được trích trả lời của Luật sư Lê Thị Thuỳ trên Báo Pháp luật Việt Nam.
Quý Khách hàng mong muốn nhận được tư vấn pháp luật, vui lòng để lại email hoặc liên hệ với luật sư điều hành của Fric Law:
Luật sư Lê Thuỳ : 0703955777.
Luật sư Đoàn Hồng : 0977471487.