Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 7/2025

Một số chính sách có hiệu lực từ tháng 7/2025

Bài viết được tham khảo, tổng hợp từ thông tin tại: https://baochinhphu.vn/chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-7-2025-102250701141116272.htm

Từ 01/07/2025, nhiều chính sách mới có hiệu lực, trong đó người dân  đặc biệt quan tâm đến các quy định về phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương 2 cấp. 

1, Điều kiện cung cấp dịch vụ xác thực điện tử

Điều kiện cung cấp dịch vụ xác thực điện tử được quy định rõ tại Nghị định số 69/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2025 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Nghị định quy định tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử phải đảm bảo điều kiện về tổ chức, doanh nghiệp; nhân sự; cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, quy trình quản lý cung cấp dịch vụ và phương án bảo đảm an ninh, trật tự.

Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử phải là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp trong Công an nhân dân; người đứng đầu tổ chức, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam…

2, Hướng dẫn xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam

Nghị định số 86/2025/NĐ-CP ngày 11/4/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Nghị định quy định nguyên tắc xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như sau:

Hoạt động trợ giúp thương nhân Việt Nam bị nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại quy định tại Điều 76 của Luật Quản lý ngoại thương được thực hiện trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của thương nhân Việt Nam, hiệp hội ngành, nghề liên quan.

Việc khởi kiện nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu quy định tại Điều 108 Nghị định này được Bộ Công Thương thực hiện dựa trên cơ sở thông tin thu thập và sau khi phối hợp, trao đổi các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án khởi kiện.

3, Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2025/NĐ-CP ngày 29/4/2025 quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.

Nghị định này quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (gọi là Cơ chế thử nghiệm) đối với việc triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới thông qua ứng dụng giải pháp công nghệ (gọi là giải pháp công nghệ tài chính).

Các giải pháp công nghệ tài chính (viết tắt là giải pháp Fintech) được tham gia thử nghiệm tại Cơ chế thử nghiệm bao gồm: a) Chấm điểm tín dụng; b) Chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); c) Cho vay ngang hàng.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

4, Điều kiện về trụ sở của Phòng công chứng

Nghị định số 104/2025/NĐ-CP ngày 15/5/2025 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Công chứng được Chính phủ ban hành, trong đó nêu rõ lộ trình hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể các Phòng công chứng.

Nghị định 104/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 quy định cụ thể điều kiện về trụ sở của Phòng công chứng:

  1. Có địa chỉ cụ thể theo địa giới hành chính.
  2. Bảo đảm diện tích làm việc cho công chứng viên, viên chức khác, người lao động, diện tích sử dụng chung và diện tích chuyên dùng theo quy định pháp luật về tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc của cơ sở hoạt động sự nghiệp và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; bảo đảm các điều kiện về phòng, chống cháy nổ và lưu trữ hồ sơ công chứng theo quy định của pháp luật.
  3. Trường hợp thuê trụ sở thì thời hạn thuê tối thiểu là 02 năm.

5, Quy định mới về quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử từ ngày 1/7/2025.

Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2025/NĐ-CP ngày 9/6/2025 quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ, cá nhân.

Theo Nghị định, tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử trong và ngoài nước thuộc đối tượng khấu trừ, nộp thuế thay (bao gồm chủ sở hữu trực tiếp quản lý nền tảng thương mại điện tử hoặc người được ủy quyền quản lý nền tảng thương mại điện tử) thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay số thuế giá trị gia tăng phải nộp theo quy định của pháp luật thuế giá trị gia tăng đối với mỗi giao dịch cung cấp hàng hóa, dịch vụ phát sinh doanh thu ở trong nước của hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

6, Quy định sử dụng vốn, tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Nghị định số 135/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 nêu rõ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng vốn để kinh doanh theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đối với tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước còn phải thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Nghị định 135/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

7, Quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động, người sử dụng lao động.

Chính phủ ban hành Nghị định số 158/2025/NĐ-CP ngày 25/6/2025 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Nghị định quy định mức đóng, phương thức và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động, người sử dụng lao động thực hiện theo quy định tại Điều 33 và Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội và được quy định chi tiết như sau:

Đối tượng quy định tại điểm k khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội không làm việc và không hưởng phụ cấp từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội tháng đó.

8, Mức hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ ngày 1/7/2025

Chính phủ ban hành Nghị định số 159/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Nghị định số 159/2025/NĐ-CP quy định rõ mức hỗ trợ và đối tượng được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Nghị định quy định người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định tại khoản 2 Điều 31 và khoản 1 Điều 36 của Luật Bảo hiểm xã hội, cụ thể:

– Bằng 50% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, người đang sinh sống tại xã đảo, đặc khu theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

– Bằng 40% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo;

– Bằng 30% đối với người tham gia là người dân tộc thiểu số;

– Bằng 20% đối với người tham gia khác.

———————————————————————————————–

Quý Khách hàng mong muốn nhận được tư vấn pháp luật, vui lòng để lại email hoặc liên hệ với luật sư điều hành của Fric Law:

Email: info@friclaw.com

Luật sư Lê Thuỳ : 0703955777. 

Luật sư Đoàn Hồng : 0977471487.

TIN TỨC LIÊN QUAN