Quy định về quản lý, sử dụng pháo tại Việt Nam.

Quy định về quản lý, sử dụng pháo tại Việt Nam.

Bài viết này được chúng tôi biên soạn trên cơ sở cập nhật các quy định của pháp luật , thông tin liên quan đến các hành vi về pháo ở Việt Nam. 

1, Quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về pháo:

Hiện nay, quy định về việc quản lý, sử dụng pháo được nêu tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP nghị định về quản lý, sử dụng pháo được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 56/2023/NĐ-CP. Quy định tại văn bản quy phạm pháp luật này cung cấp đầy đủ thông tin, chính sách của Việt Nam trong việc quản lý pháo. 

Quy định về xử phạt hành chính các hành vi liên quan đến pháo được được nêu tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn, xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Quy định về xử lý hình sự đối với các hành vi liên quan đến pháo nổ được nêu tại Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi 2017

Quy định về bồi thường thiệt hại do các hành vi liên quan đến pháo gây ra thiệt hại được điều chỉnh chính tại Bộ luật dân sự 2015.

Ngoài ra, còn có các văn bản quy phạm pháp luật khác có chứa các quy định về pháo, pháo nổ. 

2, Tổ chức, cá nhân có được sử dụng pháo không ?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo: pháo được chia làm 02 loại là pháo nổ và pháo hoa

 “Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hoá hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian

“Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hoá hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ”

Trên cơ sở quy định về phân biệt hai loại pháo, pháo nổ và pháo hoa, nhà nước có quy định đối với từng loại pháo như sau

a, Cấm tuyệt đối pháo nổ và pháo hoa nổ.

Quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP về các hành bi bị nghiêm cấm: 

“1. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.”

Như vậy, hiện nay nhà nước Việt Nam nghiêm cấm toàn bộ các hành vi của tổ chức, cá nhân liên quan đến pháo nổ, pháo hoa nổ như: sản xuất, chế tạo, sử dụng, mua bán,…

b, Được phép sử dụng pháo hoa nhưng phải đảm bảo điều kiện.

Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về việc sử dụng pháo hoa, theo đó cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng pháo hoa nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau

Điều kiện về chủ thể được phép sử dụng pháo hoa: Là cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Theo quy định tại Điều 20 Bộ luật dân sự 2015, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được hiểu là những cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị hạn chế, không bị mất năng lực hành vi dân sự, không có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Điều kiện về các dịp được phép sử dụng pháo hoa: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm, và trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật.

Điều kiện về loại pháo hoa được phép sử dụng:  cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được phép mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Hiện nay, tại Việt Nam chỉ có duy nhất nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp, Bộ Quốc phòng) được phép sản xuất pháo hoa. Các cơ sở được phép kinh doanh pháo hoa cũng là các cơ quan có đủ điều kiện và được cấp phép kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng.

3, Xử lý vi phạm về các hành vi liên quan đến pháo:

Theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến sử dụng pháo, vận chuyển, tàng trữ, sản xuất, buôn bán giao nhận pháo có thể đối mặt với mức phạt vi phạm hành chính ở nhiều mức phạt từ 5.000.000 VNĐ lên đến 100.000.000 VNĐ. 

Ngoài ra, tuỳ theo mức độ, hành vi vi phạm các hành vi liên quan đến pháo trái phép còn đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm như: Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm quy định tại Điều 190 Bộ luật hính sự 2015, khung hình phạt lên đến 15 năm tù; Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm hình phạt lên đến 10 năm tù; Tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 với  hình phạt lên đến 7 năm tù. 

Như vậy, các quy định về pháo ở Việt Nam rất rõ ràng và nghiêm ngặt, theo hướng cấm, hạn chế sử dụng. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và người thân, người xung quanh, các tổ chức, cá nhân cần nâng cao hiểu biết của bản thân về pháo để từ đó có những hành vi phù hợp, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.


Mọi thắc mắc về bài viết, mọi yêu cầu trao đổi công việc vui lòng liên hệ luật sư đại diện của chúng tôi:

  • Luật sư Đoàn Hồng 0977471487 hoặc Luật sư Lê Thuỳ 0703955777
  • Email: info@friclaw.com 

TIN TỨC LIÊN QUAN