Nhiều người, thậm chí còn không biết mình đang vi phạm pháp luật

Nhiều người, thậm chí còn không biết mình đang vi phạm pháp luật

Bài viết này chia sẻ góc nhìn của chúng tôi về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

Hàng giả là vấn nạn của quốc gia, đặc biệt là vào những dịp cuối năm tình trạng kinh doanh hàng giả càng công khai với số lượng lớn và nhiều hình thức tinh vi. Hình ảnh kinh doanh hàng giả rất phổ biến từ các sạp hàng bày bán ngoài chợ cho đến các siêu thị, và hiện nay là tràn lan trên các trang mạng xã hội, các ứng dụng mua bán, sàn thương mại điện tử. Có một thực tế tồn tại là không nhiều người biết và hiểu về hành vi kinh doanh hàng giả, hậu quả pháp lý của hành vi này.

1, Chế tài đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả:

Các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam hiện hành có các chế tài về: hình sự, hành chính, trách nhiệm dân sự đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.

a, Chế tài hình sự:

Khác với những tội phạm khác, tội kinh doanh hàng giả áp dụng với cả cá nhân và pháp nhân, ngoài hình phạt chính là phạt tù thì người vi phạm còn phải nộp tiền, bị tịch thu tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề.

Tội phạm kinh doanh hàng giả được quy định tại các Điều 192, 193, 194, 195 tại Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi 2017 (“BLHS”).

Theo đó, hành vi kinh doanh hàng giả nói chung quy định tại Điều 192 BLHS có mức hình phạt cao nhất là từ 7 đến 15 năm tù. Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực thẩm có mức hình phạt cao nhất từ 15 đến 20 năm tù hoặc tù chung thân (Điều 194 BLHS). Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, hình phạt cao nhất là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (Điều 195 BLHS). Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi, hình phạt cao nhất từ 15 đến 20 năm tù.

b, Chế tài hành chính:

Quy định về xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả được nêu rõ tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Như vậy, trên cơ sở xem xét các văn bản quy phạm pháp luật, có thể thấy rằng pháp luật có những quy định, chế tài nghiêm khắc để xử lý tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, bất chấp quyền lợi của các bên liên quan, bất chấp sức khoẻ của người tiêu dùng, hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả vẫn tiếp diễn theo chiều hướng gia tăng.

2, Nhiều người không biết mình đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật:

Trong quá trình tham gia tư vấn pháp luật, bào chữa cho một số cá nhân, pháp nhân có dấu hiệu của tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, chúng tôi nhận thấy một thực tế rằng nhiều người kinh doanh không nhận thức được họ đang thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Thực trạng này tập trung phần lớn ở nhóm người kinh doanh online, thực hiện các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh qua các nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch. Biểu hiện những hành vi buôn bán này thường là: nhập hàng qua những người bán hàng khác, nhập hàng từng đợt số lượng nhỏ, không yêu cầu bên bán cung cấp hoá đơn cho lô hàng, không tìm hiểu để phân biệt hàng thật, hàng giả. Những cá nhân này không nhận thức được rằng: hành vi buôn bán, kinh doanh chiếc túi, đôi giày, chai mỹ phẩm của họ là hành vi buôn bán hàng giả và gây nguy hại cho xã hội cho đến khi bị xử lý về hành vi vi phạm pháp luật. 

3, Vấn đề còn bỏ ngỏ:

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang – Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Chính vì vậy, thời gian gần đây công tác đấu tranh với loại tội phạm này rất quyết liệt, nhiều vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả được phát hiện, bị xử lý nghiêm.

Nhìn từ thực tiễn hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, chúng tôi nhận thấy những vấn đề còn tồn tại.

Thứ nhất, trách nhiệm của các đơn vị trung gian như các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội, các đơn vị vận chuyển hàng hoá.

Cần công bằng nhìn nhận rằng sẽ rất khó khăn để các đơn vị trung gian kiểm tra, xác minh được hàng thật, hàng giả và chúng ta không thể quá trông chờ việc này từ họ. Tuy nhiên, bên thứ ba nên gia tăng vai trò và trách nhiệm kiểm soát trong khâu kiểm duyệt đăng bán sản phẩm, thực hiện giao dịch như: yêu cầu xuất trình hoá đơn chứng minh nguồn gốc sản phẩm, yêu cầu cam kết về trách nhiệm của người bán, có cơ chế kiểm tra xác minh độ trung thực về cung cấp thông tin của người bán, chủ động nắm bắt kỹ lưỡng thông tin, lịch sử giao dịch của người kinh doanh. Đặc biệt, khi cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh thông tin tội phạm, bên trung gian là các sàn thương mại, ứng dụng bán hàng, đơn vị vận chuyển cần có sự phối hợp kịp thời, đầy đủ.

Thứ hai, trách nhiệm của người tiêu dùng:

“Cuộc chiến” chống hàng giả là cuộc chiến của cả xã hội. Do vậy, bên cạnh những chính sách, quy định chặt chẽ của nhà nước, cũng cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội

Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay người tiêu dùng chưa có sự am hiểu về hàng giả, chưa biết các phương tiện, cách thức để phản ánh về hàng giả, và đặc biệt người tiêu dùng còn tâm lý “ngại” lên tiếng, ngại “kiện”, trừ trường hợp vụ việc xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của họ.  Do vậy, để chung tay vào “cuộc chiến” này rất cần người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết về hàng giả, có ý thức chung, trách nhiệm với cộng đồng trong việc đấu tranh chống hàng giả. 

TIN TỨC LIÊN QUAN