Thủ tục rút tiền tiết kiệm của người thân đã mất, những điều cần biết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp
Thủ tục rút tiền tiết kiệm của người thân đã mất, những điều cần biết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp
Câu hỏi: “Người thân của tôi vừa đột ngột qua đời. Xin hỏi, bằng cách nào rút tiền tiết kiệm của người thân đã mất? Thủ tục rút tiền tiết kiệm của người thân đã mất thế nào?”
Luật sư Lê Thị Thuỳ – Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội tư vấn: Trong trường hợp này bạn cần làm rõ các nội dung sau: (1) Thông tin về khoản tiền tiết kiệm của người đã qua đời; (2) Xác định những người được hưởng khoản tiền của người đã qua đời; (3) Thủ tục để được rút, hưởng khoản tiền tiết kiệm của người đã qua đời.
Thứ nhất, thông tin về khoản tiền tiết kiệm của người đã qua đời.
Tiền là một loại tài sản theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong trường hợp chủ sở hữu tài sản chết thì khoản tiền này trở thành di sản. Việc giải quyết, phân chia di sản thừa kế sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật về thừa kế tại Bộ luật dân sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác hướng dẫn chi tiết.
Trước hết cần xác minh, làm rõ các thông tin về di sản, trong trường hợp này cần xác định được khoản tiền tiết kiệm là bao nhiêu, đang được gửi tại ngân hàng nào; khoản tiền này là tài sản riêng của người chết hay tài sản chung với người khác,…từ đó làm cơ sở để giải quyết quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến số tiền này.
Việc xác minh về thông tin khoản tiền tiết kiệm, người hưởng thừa kế liên hệ trực tiếp đến các ngân hàng, cung cấp thông tin theo yêu cầu của ngân hàng để được kiểm tra.
Thứ hai, đối với những người được hưởng khoản tiền tiết kiệm của người chết.
Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015, di sản được chia theo di chúc hoặc chia theo pháp luật.
Do vậy, trước hết người thân của người chết cần kiểm tra xem người chết có để lại di chúc hay không, trong trường hợp có di chúc và di chúc hợp pháp thì việc giải quyết khoản tiền tiết kiệm, người được hưởng khoản tiền tiết kiệm theo quy định của pháp luật về thừa kế theo di chúc.
Ngược lại, trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì khoản tiền tiết kiệm này được giải quyết theo quy định về thừa kế theo pháp luật. Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ về hàng thừa kế theo pháp luật gồm hàng thừa kế thứ nhất, thứ hai, thứ ba, trong đó hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Người thừa kế sẽ tiến hành thủ tục thoả thuận phân chia di sản hoặc khai nhận di sản thừa kế thừa kế tại Phòng/Văn phòng công chứng hoặc Uỷ nhân nhân dân cấp xã theo quy định tại các Điều 57,58 Luật Công chứng năm 2014 và Điều 18 Nghị định 19/2015/NĐ-CP. Hồ sơ người thừa kế cần cung cấp để làm thủ tục phân chia di sản hoặc khai nhận di sản thông thường là: Sổ tiết kiệm, giấy chứng tử, Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản (Giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh,…), Giấy tờ tuỳ thân của những người thừa kế,….
Thứ ba, Thủ tục để rút, hưởng khoản tiền tiết kiệm của người đã chết.
Sau khi đã hoàn tất các công việc nêu trên, người thừa kế đến ngân hàng để được giải quyết yêu cầu rút sổ tiết kiệm của người đã chết. Thủ tục rút tiền tiết kiệm thực hiện theo quy định tại Điều 18, Điều 19 Thông tư 48/2018//TT-NHNN, theo đó người thừa kế phải xuất trình các tài liệu theo quy định của pháp luật và yêu cầu của ngân hàng như: Thẻ tiết kiệm, Văn bản thoả thuận phân chia, giấy uỷ quyền,….
Quý Khách hàng mong muốn nhận được tư vấn pháp luật, vui lòng để lại email hoặc liên hệ với luật sư điều hành của Fric Law:
Luật sư Lê Thuỳ : 0703955777
Luật sư Đoàn Hồng : 0977471487