Tìm hiểu về FTA Việt Nam đã ký kết

Tìm hiểu về FTA Việt Nam đã ký kết

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA – Free Trade Agreement), theo thống kê tính đến 07/2023 Viêt Nam đã ký kết 15 FTA.

1, Hiểu về FTA:

FTA được giải thích là hình thức liên kết giữa các quốc gia và nhờ các hiệp định này mà các rào cản về thuế quan, phi thuế quan sẽ được giảm hoặc xoá bỏ. FTA được chia thành “FTA truyền thống” và “FTA thế hệ mới”.

Theo quan điểm truyền thống, FTA là hiệp định hợp tác kinh tế được ký kết giữa ít nhất hai nước, nhằm cắt giảm các hàng rào thương mại, cụ thể là thuế quan, quota nhập khẩu và các hàng rào phi thuế quan khác, đồng thời, thúc đẩy thương mại hàng hoá và dịch vụ giữa các nước này với nhau. Một trong các đặc điểm quan trọng của FTA truyền thống là các thành viên của FTA không có biểu thuế quan chung trong quan hệ thương mại với các nước bên ngoài FTA.

FTA thế hệ mới được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2007 với các FTA mà EU đàm phán với các đối tác thương mại. So với các FTA truyền thống, thì các FTA thế hệ mới có các nội dung mới như: Đầu tư, cạnh tranh, mua sắm công, thương mại điện tử, khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ kỹ thuật cho các nước đang phát triển cũng như dành thời gian chuyển đổi hợp lý để nước đi sau có thể điều chỉnh chính sách theo lộ trình phù hợp với trình độ phát triển của mình.

2, Nội dung thường thấy tại các FTA:

Thứ nhất là những quy định về việc cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Theo đó, mỗi quốc gia tham gia ký thỏa thuận FTA đều phải cam kết cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan. Đồng thời, cho phép các hàng hóa dịch vụ giữa các nước thành viên được xuất nhập khẩu.

Thứ hai là quy định danh mục những mặt hàng được đưa vào cắt giảm thuế quan. Loại hàng hóa dịch vụ được đưa vào ký kết sẽ phụ thuộc vào kết quả của hoạt động đàm phán. Có một số loại thuế nhạy cảm sẽ cắt giảm chậm hơn hoặc không được cắt giảm.

Thứ ba là quy định về thời gian cắt giảm thuế xuất nhập khẩu. Các FTA phải có phần mục nội dung quy định rõ ràng về khoảng thời gian hay lộ trình áp dụng cắt giảm thuế. FTA thường có thời gian kéo dài dưới 10 năm.

Thứ tư là quy định về quy tắc xuất xứ. Đây là quy định hết sức quan quan trọng và không thể thiếu trong FTA. Mỗi loại hàng hóa dịch vụ khác nhau sẽ có những quy định về việc mức cắt giảm thuế khác nhau. Những mặt hàng được sản xuất ở các nước tham gia vào thỏa thuận FTA sẽ được nhận ưu đãi lớn hơn những mặt hàng sản xuất ở các nước khác.

3, Danh sách các FTA mà Việt Nam đã tham gia tính đến tháng 07/2023:

CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO (FTA) VIỆT NAM
ĐÃ THAM GIA

STT Tên viết tắt Tên đầy đủ Năm có hiệu lực
1 AFTA Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN 1993
2 ACFTA Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc 2003
3 AKFTA Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Hàn Quốc 2007
4 AJCEP Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản 2008
5 VJEPA Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản 2009
6 AIFTA Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Ấn Độ 2010
7 AANZFTA Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN -Australia-New Zealand 2010
8 VCFTA Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Chi Lê 2014
9 VKFTA Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc 2015
10 VN-EAEU FTA Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu 2016
11 CPTPP Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương 2018, hiệu lực tại Việt Nam là 2019
12 AHKFTA Hiệp định Thương mại tự do ASEAN và Hồng Kông (Trung Quốc) 2019

Có hiệu lực đầy đủ với toàn bộ thành viên vào 12/02/2021

13 EVFTA Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu 2020
14 UKVFTA Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh 2021
15 RCEP Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực 2022
Ngày 2/04/2023 tại Tel Aviv, Việt Nam và Israel đã tuyên bố về việc kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước sau 7 năm với 12 phiên đàm phán. Dự kiến FTA giữa Việt Nam và Israel sẽ được ký trong năm 2023.

Quý Doanh nghiệp quan tâm có thể tra cứu thông tin về các FTA Việt Nam đã ký kết thông qua website: https://fta.moit.gov.vn/

Nguồn bài viết:

1, https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-nuoc-ngoai/so-tay-fta.html – Bộ Công thương Việt Nam;

2, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin – Viện chiến lược và chính sách tài chính.

 

TIN TỨC LIÊN QUAN