02 lần huỷ bản án của toà án cấp sơ thẩm.

02 lần huỷ bản án của toà án cấp sơ thẩm.

02 lần huỷ bản án của toà án cấp sơ thẩm trong một vụ án.

Luật sư của chúng tôi tham gia vụ án: “Tranh chấp yêu cầu chia di sản thừa kế, yêu cầu tuyên vô hiệu Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Chúng tôi đánh giá đây là một vụ án phức tạp, kéo dài, cũng là vụ án để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm, đáng chú ý nhất là 02 lần chúng tôi kiến nghị huỷ bản án sơ thẩm và được toà án cấp phúc thẩm chấp nhận.

Xin tổng hợp lại một số vấn đề để chia sẻ với các đồng nghiệp và quý khách hàng.

1, Lần huỷ án thứ nhất: Toà án cấp tỉnh huỷ bản án của toà án thành phố.

Khi tiếp nhận hồ sơ vụ việc, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ và xác định những vấn đề pháp lý về tố tụng và nội dung của vụ án, cụ thể như sau:

(i) Toà án cấp sơ thẩm thu thập thiếu tài liệu, chứng cứ trong vụ án:

Người để lại di sản có 07 người con chung, 01 người con riêng. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, thẩm phán đã không đưa người con riêng – “bà A” tham gia tố tụng. Cụ thể, hồ sơ vụ án ghi nhận 01 biên bản làm việc giữa thẩm phán và bà A với nội dung “ bà A không liên quan đến di sản do cụ X, cụ Y để lại, đề nghị không tham gia vụ án”. Dù tồn tại văn bản làm việc giữa bà A và toà án, nhưng trước và sau quá trình bà A có biên bản làm việc, thẩm phán không xác định tư cách đương sự của bà, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà A.

(ii) Vị hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án không có tên trong quyết định phân công giải quyết vụ án của chánh án.

Trong quá trình nghiên cứu thủ tục tố tụng của toà án cấp sơ thẩm, chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng hồ sơ và phát hiện: ông B – hội thẩm nhân dân tham gia phiên toà sơ thẩm không phải hội thẩm có tên trong quyết định phân công giải quyết vụ án của chánh án.

Theo quy định tại Điều 11 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

Điều 11. Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vụ án dân sự

1.Việc xét xử sơ thẩm vụ án dân sự có Hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.

2.Khi biểu quyết về quyết định giải quyết vụ án dân sự, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán.”

Và quy định tại Điều 47 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

Điều 47. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án

1.Chánh án Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

b) Quyết định phân công Thẩm phán thụ lý vụ việc dân sự, Thẩm phán giải quyết vụ việc dân sự, Hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử vụ án dân sự; quyết định phân công Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ việc dân sự bảo đảm đúng nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này;

c) Quyết định thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa;”

(iii) Vi phạm về nhận định giải quyết vụ án của toà án cấp sơ thẩm.

(Thông tin nêu tại bản án)

Như vậy, chúng tôi đã trích dẫn quy định pháp luật, chỉ ra những điểm vi phạm cuả toà án cấp sơ thẩm và đề nghị tuyên huỷ toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm, toà án cấp phúc thẩm đã chấp nhận đề nghị của luật sư.

2, Lần huỷ án thứ hai: Toà án cấp cao huỷ bản án sơ thẩm của toà án cấp tỉnh.

Căn cứ huỷ án lần này hoàn toàn dựa trên nhận định, đánh giá, xem xét nội dung vụ án. Vì tính chất bảo mật thông tin của khách hàng, chúng tôi chỉ xin nêu ra một số chi tiết về đánh giá pháp lý để người đọc có thể nắm được:

Tình tiết: cụ ông chết năm 1982, cụ bà chết năm 2012.

Luật sư của bị đơn cho rằng: đối với di sản cho cụ ông chết 1982 để lại, thời điểm này Việt Nam chưa công nhận sở hữu đất đai, chưa cho phép người dân được thực hiện các giao dịch đối với đất đai (chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế,….). Do vậy, không thể xác định tài sản của cụ ông chết năm 1982 để lại là di sản thừa kế. Đối với di sản của cụ bà chết 2012, trước khi chết cụ bà đã làm hợp đồng tặng cho bị đơn, do vậy tài sản này đã thuộc về bị đơn không còn là di sản thừa kế.

Trên cơ sở lập luận của bị đơn, chúng tôi đã trích dẫn các quy định để bác bỏ ý kiến của bị đơn, cụ thể: căn cứ quy định tại Điều 635 Bộ luật dân sự 2015, Điều 36 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và Án lệ số 26/2018/AL xác định thời hiệu giải quyết đối với khối di sản của cụ ông vẫn còn; căn cứ quy định tại Điều 41 Luật công chứng 2006 và Điều 128 Bộ Luật dân sự 2005 để xác định giao dịch tặng cho của cụ bà cho bị đơn vô hiệu.

Trên cơ sở quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi đã kiến nghị huỷ bản án sơ thẩm và được toà án cấp phúc thẩm chấp nhận. Nội dung vụ án còn nhiều điều phức tạp, vì lý do bảo mật thông tin khách hàng, chúng tôi không thể nêu chi tiết ở bài viết này. Rất mong những thông tin nêu tại bài viết này có thể trở thành thông tin tham khảo của đồng nghiệp và quý khách hàng đối với những vụ án tương tự. 

TIN TỨC LIÊN QUAN