Giả mạo chữ ký của đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Giả mạo chữ ký của đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Tình huống pháp lý:

Người đại diện theo pháp luật duy nhất của công ty cổ phần đang bị tạm giam, chủ sở hữu doanh nghiệp muốn thực hiện thay đổi người đại diện theo pháp luật để quyết định các vấn đề quan trọng của công ty. Do đó, chủ sở hữu doanh nghiệp đã chỉ đạo nhân sự ký giả chữ ký của người đại diện theo pháp luật đang bị tạm giam để hoàn tất hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật. Hồ sơ đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới.

Đây là tình huống pháp lý thực tiễn, chúng tôi xin đưa ra một số phân tích như sau:

1, Quy định của pháp luật trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị tạm giam:

Theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 thì: “Đối với doanh nghiệp chỉ còn một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không uỷ quyền cho người khác thực hiện các quyền  và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc….bị tạm giam ….thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty”

Như vậy, trong trường hợp người đại diện theo pháp luật duy nhất của công ty cổ phần đang bị tạm giam, thì Hội đồng quản trị có thể áp dụng quyền cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty để thực hiện các hoạt động của doanh nghiệp. Lưu ý trong trường hợp này, việc họp, quyết định cử người đại diện theo pháp luật mới phải tuân thủ quy định của pháp luật.

2, Quy định về hành vi giả mạo chữ ký của người khác.

Chúng tôi phân tích các khía cạnh của hành vi giả mạo chữ ký của người khác nói chung, giả mạo chữ ký của người đại diện theo pháp luật để thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nói riêng. Dưới đây là một số lưu ý đặc biệt: 

a) Đối với Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã được cấp do sử dụng chữ ký giả

Như tình huống đã đề cập, nhân sự tại công ty ký giả chữ ký của người đại diện theo pháp luật, và sử dụng bộ hồ sơ này để nộp lên cơ quan có thẩm quyền đề nghị được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới.

Như vậy, có cơ sở để xác định bộ hồ sơ mà doanh nghiệp nộp lên cơ quan nhà nước đã bị giả mạo. Áp dụng quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020 “1. Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp sau đây

a)Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo”

Quy định tại Điều luật này tiếp tục được hướng dẫn tại Điều 74 Nghị định 01/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp theo đó: Khi có căn cứ xác định nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo, thì tổ chức cá nhân có quyền đề nghị Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC) và có trách nhiệm cung cấp một trong các văn bản: bản sao văn bản của cơ quan nhà nước cấp có thẩm quyền cấp văn bản trả lời văn bản do cơ quan đó cấp bị giả mạo; bản sao văn bản trả lời của cơ quan công an về việc nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo.

Như vậy, khi xác định được hồ sơ kê khai cấp ERC là giả mạo thì ERC của doanh nghiệp có thể bị thu hồi. 

b) Đối với người thực hiện hành vi ký giả chữ ký:

Hành vi giả mạo chữ ký của người khác tuỳ theo mức độ, hậu quả, động cơ của hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt, và chịu các trách nhiệm:

Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính

 Theo quy định tại Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 và tuỳ từng lĩnh vực vi phạm sẽ có các trách nhiệm, các loại chế tài khác nhau như: phạt tiền, phạt cảnh cáo,…

Thứ hai, xử lý hình sự:

Hành vi giả mạo chữ ký vì các mục đích gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác có thể cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174  hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Ngoài ra, hành vi giả mạo chữ ký trong công tác còn có thể cấu thành tội “Giả mạo trong công tác” theo quy định tại Điều 359 Bộ luật hình sự 2015

Không  những thế, khi theo dõi các vụ án lớn đã được đưa ra xét xử thời gian gần đây, chúng ta thấy rằng, những hành vi vi phạm đơn lẻ như giả mạo chữ ký đặt trong chuỗi các hành vi vi phạm khác trong một vụ án lớn, có thể trở thành hành vi vi phạm rất nghiêm trọng, gây ra những hậu quả lớn, đặc biệt lớn như: đồng phạm giúp sức cho các bị cáo khác thực hiện hành vi chiếm đoạt,..

Thứ ba, bồi thường thiệt hại:

Ngoài chịu các trách nhiệm như đã nêu ở trên, hành vi giả mạo chữ ký gây ra thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thì người thực hiện hành vi vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại.Thiệt hại sẽ được xác định trên cơ sở những thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm gây ra.

Như vậy, như tình huống pháp lý đã trích dẫn, một vụ việc vốn dĩ văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định để giải quyết nhưng do hiểu biết pháp luật hạn chế hoặc chủ quan không lường trước được hậu quả xảy ra mà thực hiện hành vi vi phạm. Đây là những vụ  việc rất đáng tiếc, do vậy chúng tôi khuyến cáo Quý doanh nghiệp tìm hiểu kỹ quy định của pháp  luật, tìm kiếm ý kiến tư vấn của chuyên gia để giải quyết các tình huống pháp sinh, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc thượng tôn pháp luật.


Mọi thắc mắc về bài viết, mọi yêu cầu trao đổi công việc vui lòng liên hệ luật sư đại diện của chúng tôi:

  • Luật sư Đoàn Hồng 0977471487 hoặc Luật sư Lê Thuỳ 0703955777
  • Email: info@friclaw.com 

TIN TỨC LIÊN QUAN