Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có còn tư cách để khởi kiện không?

Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có còn tư cách để khởi kiện không?

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được xem là giấy khai sinh của một doanh nghiệp, thể hiện tư cách pháp nhân của doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, tình trạng này gây ra nhiều xáo trộn cho doanh nghiệp. 

1, Các trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp:

Theo quy định tại Điều 212 Luật Doanh nghiệp năm 2020, các trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gồm:

  • Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;
  • Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp thành lập;
  • Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;
  • Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 của Luật Doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;
  • Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.

Như vậy, theo quy định này các doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là những doanh nghiệp có vi phạm trong quá trình hoạt động đã được cơ quan có thẩm quyền liệt kê. Theo quy định tại Điều 75 Nghị định 01/2021/NĐ-CP trong một số trường hợp khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền sẽ cho phép doanh nghiệp thời gian để giải trình hoặc làm thủ tục xin cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới.

2, Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có thể tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn hay không?

Để trả lời cho nội dung này, trước tiên cần làm rõ doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có còn tư cách pháp nhân hay không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 96 Bộ luật dân sự 2015, doanh nghiệp bị chấm dứt tồn tại pháp nhân trong các trường hợp sau: (i) tổ chức lại doanh nghiệp như: hợp nhất, sáp nhập, chia, chuyển đổi hình thức; (ii) giải thể; (ii) Bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Như vậy, theo quy định tại Điều 96 Bộ luật dân sự năm 2015, doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không thuộc trường hợp bị chấm dứt tồn tại tư cách pháp nhân.

Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thuộc trường hợp bị giải thể mà giải thể lại là một trong những trường hợp chấm dứt tồn tại pháp nhân. Cụ thể, theo quy định tại Điều 209 Luật Doanh nghiệp và Điều 71 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, khi doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành các thủ tục để giải thể doanh nghiệp như sau: (i) Bước 1: Thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đồng thời với việc ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; (2) Bước 2: Doanh nghiệp triệu tập họp để quyết định giải thể; (3) Bước 3: Doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký giải thể cho cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp; (4) Bước 4: Sau thời hạn 180 ngày kể từ ngày thông báo tình trạng đag làm thủ tục giải thể doanh nghiệp mà không nhận được  phản đối của bên có liên quan bằng văn bản hoặc trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Những tưởng quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã cụ thể thì khoản 5 Điều 209 Luật Doanh nghiệp và khoản 3 Điều 71 Nghị định 01/2021/NĐ-CP lại gây ra tranh cãi trong thực tế áp dụng : “Sau thời gian 180 ngày kể từ ngày Phòng đăng ký kinh doanh thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp mà Phòng đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ đăng ký giải thể của doanh nghiệp và ý kiến phản đối của các bên liên quan bằng văn bản, Phòng đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể”. Trên thực tế xuất hiện tình trạng, sau thời gian 180 ngày kể từ ngày thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh “quên” cập nhật tình trạng doanh nghiệp đã giải thể, vậy trường hợp này doanh nghiệp có được xem là đã giải thể và đã bị chấm dứt tồn tại tư cách pháp nhân hay không. Có hai cách hiểu về vấn đề này:

Thứ nhất, doanh nghiệp chỉ bị chấm dứt tư cách tồn tại pháp nhân trong trường hợp bị  thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có quyết định/thông báo giải thể của cơ quan đăng ký kinh doanh.

Thứ hai, doanh nghiệp sẽ được coi là chấm dứt tồn tại tư cách pháp nhân sau thời gian 180 ngày kể từ ngày bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Những người theo quan điểm này cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật đã có quy định rất chi tiết về trình tự, thủ tục đăng ký giải thể khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, do vậy dù doanh nghiệp có phối hợp hay không phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh chưa cập nhật thông tin doanh nghiệp đã giải thể trên hệ thống thì sau khoảng thời gian 180 ngày được xem là thời gian “quyết định” đối với doanh nghiệp, do vậy, doanh nghiệp không còn tư cách tồn tại pháp nhân sau 180 ngày này, dẫn đến không đủ điều kiện để khởi kiện, trở thành nguyên đơn trong vụ án. Thực tế, một toà án thụ lý giải quyết vụ án có nguyên đơn là doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng đồng thuận với quan điểm này.

Trong quá trình nghiên cứu quy định của pháp luật, tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất tức doanh nghiệp còn tư cách pháp nhân do đó đủ điều kiện để khởi kiện dù bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quá 180 ngày. Để củng cố nhận định này, tác giả đưa ra các căn cứ sau Điều 96 Bộ luật dân sự 2015 đã quy định rất rõ về trường hợp chấm dứt tồn tại tư cách pháp nhân và không bao gồm trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hơn nữa Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm tại: “3. Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký hoặc tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh”, khoản 21 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận” . Như vậy, theo quy định đã trích dẫn ở trên, doanh nghiệp khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ bị cấm thực hiện hoạt động kinh doanh, các hoạt động khác luật không đề cập, việc khởi kiện hoặc phải tham gia vụ kiện với tư cách bị đơn không được xem là hoạt động kinh doanh do vậy doanh nghiệp được tiến hành bình thường. Và, doanh nghiệp chỉ bị chấm dứt tồn tại pháp nhân do giải thể khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại 2 Điều 96 Bộ luật dân sự 2015 quy định “pháp nhân chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm xoá tên trong sổ đăng ký pháp nhân hoặc từ thời điểm được xác định trong các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.” Do vậy, tác giả cho rằng, toà án không chấp nhận đơn khởi kiện của doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc đình chỉ vụ án với lý do nguyên đơn là doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là không có cơ sở pháp lý. 

 

 

TIN TỨC LIÊN QUAN