Hợp đồng vay núp bóng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, hợp đồng hợp tác

Hợp đồng vay núp bóng hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, hợp đồng hợp tác

Doanh nghiệp sẽ không thể tổ chức, triển khai các hoạt động kinh doanh hiệu quả nếu thiếu “vốn”. Có nhiều hình thức huy động vốn được doanh nghiệp áp dụng như: Huy động từ cổ đông/thành viên trong công ty; vay của tổ chức tín dụng; vay của tổ chức/cá nhân khác; phát hành trái phiếu, cổ phiếu,…

Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp tự “nghĩ” ra những hình thức huy động vốn không đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí có nguy cơ đối mặt với trách nhiệm hình sự.

1, Các phương thức huy động vốn “kỳ lạ”.

Một số doanh nghiệp cùng với nhà đầu tư ký kết và thực hiện các giao dịch như: Hợp đồng hợp tác chiến lược, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần/ phần vốn góp và cam kết mua lại,…Ở góc độ tư vấn pháp lý, chúng tôi thấy rằng những giao dịch này phần lớn không tuân thủ quy định của pháp luật.

Thứ nhất, nhìn chung các giao dịch này đều thể hiện nội dung: Sau khi ký hợp đồng, nhà đầu tư sẽ chuyển một khoản tiền để sở hữu một số lượng cổ phần/ phần vốn góp trong công ty. Tuy nhiên, trong hợp đồng thường có điều khoản nhà đầu tư uỷ quyền toàn bộ cho bên tham gia ký hợp đồng hoặc đại diện theo pháp luật của công ty để thực hiện quyền, nghĩa vụ của nhà đầu tư với tư cách cổ đông công ty.

Thứ hai, những hợp đồng này thường có điều khoản: sau khoảng 12 tháng hoặc 18 tháng kể từ khi ký hợp đồng, bên chuyển nhượng sẽ cam kết mua lại cổ phần đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư với giá trị cao hơn giá được các bên ghi tại hợp đồng (giá nhận chuyển nhượng lại thường là: giá gốc ghi tại hợp đồng + 20%- 30% / giá gốc).

Thứ ba, hợp đồng ghi rõ nhà đầu tư sẽ trở thành cổ đông/thành viên công ty nhưng thực tế nhà đầu tư không được cấp giấy chứng nhận sở hữu cổ phần/giấy chứng nhận góp vốn, không có tên trong danh sách cổ đông. Nhà đầu tư góp vốn vào công ty theo hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hoặc hợp đồng hợp tác chiến lược nhưng cổ phần của cổ đông chuyển nhượng cho nhà đầu tư không giảm hoặc công ty không tăng vốn điều lệ, công ty không IPO.

2, Những rủi ro có thể xảy ra:

Như đã chỉ ra ở trên, hình thức huy động vốn thông qua các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, hợp đồng hợp tác chiến lược,..có những dấu hiệu như nêu ở trên không phải là hình thức tuân thủ quy định tại các Điều 51,52, 125, 126, 127, 128 Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Chứng khoán 2019.

Khi giao kết hợp đồng, nhà đầu tư và doanh nghiệp đều mong chờ một kết quả “mỹ mãn” thế nhưng không phải trong hoàn cảnh nào những mong chờ của các bên cũng được đền đáp. Chúng tôi chỉ ra những hậu quả sau thông qua kinh nghiệm tư vấn giải quyết các tranh chấp thực tế:

  • Có thể nhận thấy, hình thức của giao dịch là chuyển nhượng cổ phần, sở hữu cổ phần, trở thành cổ đông của công ty nhưng thực tế thì không có sự kiện chuyển giao, thụ hưởng quyền đối với cổ phần/phần vốn góp; không làm thay đổi số lượng cổ đông, cổ phần của công ty; nhà đầu tư không tham gia, không quan tâm đến hoạt động của doanh nghiệp; sự kiện có thật duy nhất là nhà đầu tư thanh toán một khoản tiền theo hợp đồng đã ký. Do vậy, hoàn toàn có cơ sở để nhận định, tên gọi là bản chất giao dịch không đồng nhất, có dấu hiệu giao dịch giả tạo.
  • Sau khi ký các hợp đồng và huy động vốn thành công của nhà đầu tư, công ty thường không sử dụng khoản tiền này vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mà dùng để thực hiện các hoạt động đầu tư khác như: trái phiếu, bất động sản,…(những hoạt động đầu tư này thường không đứng tên công ty mà sử dụng tên của các cá nhân, nhân viên trong công ty) dẫn đến hậu quả không có khả năng thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng với nhà đầu tư. Nhà đầu tư đối diện với tình huống không thể nhận lại số tiền đã thanh toán, mất thời gian, tiền bạc vào tranh chấp hợp đồng với công ty.
  • Người đại diện theo pháp luật của công ty khi ký hợp đồng và huy động vốn theo hình thức này nếu đưa ra thông tin gian dối để nhà đầu tư chuyển tiền và sử dụng tiền không đúng mục đích, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư còn có nguy cơ đối diện với trách nhiệm hình sự.

Do vậy, không chỉ nhà đầu tư mà các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng khi thực hiện các giao dịch nhằm mục đích huy động vốn, hậu quả xảy ra có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều so với dự tính của các bên.

TIN TỨC LIÊN QUAN