LY HÔN CÓ YẾU  TỐ NƯỚC NGOÀI

LY HÔN CÓ YẾU  TỐ NƯỚC NGOÀI

Bài viết này nhằm mục đích chia sẻ kiến thức pháp lý cơ bản và một số lưu ý thực tiễn trong vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài. 

1, Quy định về vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài:

Vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: 

  • Bộ luật dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015 (“Bộ luật tố tụng dân sự 2015”);
  • Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 ngày 19 tháng 06 năm 2014 (“Luật hôn nhân và gia đình 2014″);
  • Và các văn bản quy phạm pháp luật khác như: Luật Đất đai 2013; Luật Nhà ở 2014;…

Tại bài viết này, chúng tôi giới thiệu đến quý khách hàng quy định pháp luật cơ bản, dễ nhận biết về vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài. Trước hết là về việc xác định vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 464 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

“2. Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài

b) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;

c) Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.”

Như vậy, những trường hợp nêu ở trên được xác định là vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Áp dụng quy định này vào vụ việc ly hôn để xác định vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài.

2, Một số lưu ý thực tế khi giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài:

Thực tế, vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài luôn được xác định là vụ việc phức tạp, có nhiều yêu cầu, điều kiện, các đương sự thường gặp khó khăn, vướng mắc khi giải quyết vụ việc này. Chúng tôi gửi đến quý khách hàng một số lưu ý cụ thể:

Thứ nhất, ngoài việc tìm hiểu và xác định những vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài, thì các đương sự cần quan tâm, tìm hiểu quy định về thẩm quyền giải quyết của toà án  đối với những vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài quy định tại Điều 469 và Điều 470 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Thứ hai, người vợ và người chồng cần trao đổi thống nhất được với nhau hoặc căn cứ vào tình hình thực tiễn để xác định hướng chấm dứt quan hệ hôn nhân (đồng thuận, thuận tình ly hôn hay đơn phương chấm dứt). Việc xác định hướng chấm dứt là đồng thuận hay đơn phương là rất quan trọng, vì có nhiều sự khác biệt như về: thời gian, quy trình giải quyết, tài liệu chứng cứ cần chuẩn bị,…

Thứ ba, trong một vụ việc về hôn nhân và gia đình nói chung, có yếu tố nước ngoài nói riêng, người vợ và/hoặc người chồng cần lưu ý các vấn đề: chấm dứt quan hệ hôn nhân; con cái, tài sản (trong phần tài sản sẽ có phần nợ chung). Những nội dung này sẽ đều phải được thể hiện tại đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự
Thứ tư, chuẩn bị đầy đủ các tài liệu theo quy định của pháp luật. Đối với các tài liệu được ký, chuẩn bị từ bên nước ngoài và được sử dụng trong tố tụng tại toà án của Việt Nam phải được hợp pháp hoá lãnh sự.

Thứ năm, chuẩn bị các chi phí như án phí, lệ phí, các chi phí tố tụng, chi phí để giải quyết vụ việc (ăn ở, đi lại, sao chụp, chuẩn bị tài liệu,…). Đây là yếu tố phải xác định trước khi tiến hành thủ tục ly hôn tại toà án.

Ngoài ra, đương sự cũng cần xác định các yếu tố như thời gian, tâm lý khi tham gia giải quyết các vụ việc về hôn nhân và gia đình. Đối với những vụ việc phức tạp sẽ thực sự hao tổn thời gian, tâm trí và chi phí giải quyết.


Mọi thắc mắc về bài viết, mọi yêu cầu trao đổi công việc vui lòng liên hệ luật sư đại diện của chúng tôi:

  • Luật sư Đoàn Hồng 0977471487 hoặc Luật sư Lê Thuỳ 0703955777
  • Email: info@friclaw.com 

TIN TỨC LIÊN QUAN