Quyền khởi kiện cơ quan nhà nước của người dân, doanh nghiệp.

Quyền khởi kiện cơ quan nhà nước của người dân, doanh nghiệp.

Câu chuyện các doanh nghiệp, cá nhân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan nhà nước dẫn đến khởi kiện, khiếu nại không hiếm gặp. Mặc dù có tâm lý mối quan hệ giữa doanh nghiệp, cá nhân với cơ quan nhà nước vốn dĩ đã không cân bằng, nhưng hiện nay các doanh nghiệp, cá nhân không còn tâm lý e ngại khi khởi kiện cơ quan có thẩm quyền tại toà án.

Chúng tôi đã tham gia tư vấn, bảo vệ quyền lợi ích và đại diện theo uỷ quyền của doanh nghiệp, cá nhân trong các vụ án hành chính như: khởi kiện các quyết định xử phạt vi phạm của doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, thu hồi dự án, thu hồi đất của người dân,..Chúng tôi xin gửi đến các doanh nghiệp, cá nhân những chia sẻ sau:

1, Về quyền khởi kiện của doanh nghiệp, cá nhân:

  • Doanh nghiệp, cá nhân có quyền khởi kiện các cơ quan hành chính nhà nước tại toà án để đề nghị được bảo vệ quyền lợi, nội dung này được quy định tại Điều 4 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
  • Toàn bộ quy trình tố tụng sẽ được tuân thủ, áp dụng theo quy định tại Luật Tố tụng hành chính 2015.
  • Đương sự trong vụ án gồm: người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền nghĩa vụ liên quan (có sự khác biệt về tên gọi đương sự so với Bộ Luật tố tụng dân sự 2015).
  • Thời gian chuẩn bị xét xử các vụ án hành chính khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính là 4 tháng và có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 130 Luật tố tụng hành chính 2015, tuy nhiên tuỳ theo tính chất phức tạp của các vụ án, thời gian giải quyết có thể bị kéo dài.

2, Những lưu ý khi khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính tại toà án:

  • Thời hạn khởi kiện không còn dẫn đến doanh nghiệp, cá nhân mất quyền khởi kiện: Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày doanh nghiệp, cá nhân nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trên thực tế, căn cứ để chứng minh việc “nhận được”, “biết được” nhiều khi còn gây tranh cãi.
  • Xác định sai đối tượng khởi kiện: việc xác định khởi kiện quyết định hành chính hay hành vi hành chính không phải lúc nào cũng đơn giản. Trên thực tế, doanh nghiệp, cá nhân xác định sai đối tượng khởi kiện dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, kéo dài thời gian giải quyết là chuyện thường xảy ra.
  • Khởi kiện nhầm đối tượng, cần phân biệt rõ quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện với các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015 quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức không phải đối tượng khiếu kiện vụ án hành chính và không thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án;
  • Xác định thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính: tại toà án nhân dân cấp tỉnh hoặc toà án nhân dân cấp huyện nêu tại Điều 31 và Điều 32 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
  • Xác định chính xác tư cách các bên tại thời điểm làm đơn khởi kiện: có những vụ án người khởi kiện đề nghị toà án tuyên huỷ nhiều quyết định, hành vi hành chính, do vậy người khởi kiện cần xác định chính xác người bị kiện, người liên quan trong vụ án.
  • Nhiều trường hợp, người bị kiện uỷ quyền cho cấp dưới hoặc xin vắng mặt trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án gây ra những khó khăn cho toà án và người khởi kiện.

Những chia sẻ được nêu tại bài viết này không được hiểu là toàn bộ diễn biến, các vấn đề có thể xảy ra trong vụ án hành chính. Fric Law khuyến nghị Quý doanh nghiệp, cá nhân xem xét kỹ lưỡng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để có giải pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án hành chính.

TIN TỨC LIÊN QUAN